Khi nói về lĩnh vực nhà đất người ta chỉ thường hay nghe nói đến các loại bản đồ như bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch và bản đồ địa chính. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại xuất hiện một thuật ngữ mới “bản đồ nhà đất”. Vậy bản đồ nhà đất là gì? hãy cùng bài viết sau đây tìm hiểu về bản đồ nhà đất và vai trò của bản đồ nhà đất nhé!
Tìm hiểu các loại bản đồ trong nhà đất
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì?
Theo Luật Đất đai năm 2013, Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là bản đồ thể hiện sự phân bố các loại đất tại một thời điểm xác định, được lập theo từng đơn vị hành chính.
Nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất:
- Ranh giới hành chính các cấp
- Ranh giới các loại đất
- Ranh giới lãnh thổ sử dụng như : nông trường, lâm trường, nhà máy, xí nghiệp, doanh trại quân đội nhân dân,…
- Địa hình: Thể hiện địa hình đặc trưng của khu vực bằng đường bình độ, điểm độ cao và ghi chú độ cao.
- Thủy hệ và các đối tượng có liên quan như biển, hồ ao, đầm phà, sông ngòi, kênh rạch, thùng vũng.
- Hệ thống giao thông và các đối tượng có liên quan thể hiện phạm vi chiếm đất của đường sắt, đường bộ và các công trình giao thông trên hệ thống đường.
- Ghi chú địa danh: Ghi chú địa danh trên bản đồ gồm tên sông suối chính, tên đường quốc lộ, tên tỉnh, thành phố, tên huyện, thị xã, tên xã, thị trấn, tên các hồ lớn,…
- Thể hiện vị trí trung tâm : thủ đô, tỉnh lỵ, huyện lỵ, UBND xã, phường, thị trấn.
Ý nghĩa bản đồ hiện trạng sử dụng đất
- Thứ nhất, xác thực nhà ở hay khu đất ở thời điểm hiện tại, phản ánh đúng tình hình sử dụng đất của chủ sở hữu nhằm hỗ trợ, phục vụ cho các yêu cầu liên quan đến công tác quản lý của Nhà nước đối với đất đai.
- Thứ hai, là công cụ thể hiện chính xác vị trí, diện tích, loại đất ở một tỷ lệ thích hợp đối với các cấp hành chính.
- Thứ ba, làm tài liệu để phục vụ cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Thứ tư, làm tài liệu cơ bản, thống nhất để các ngành khác sử dụng các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và định hướng phát triển của ngành mình, đặc biệt những ngành sử dụng nhiều đất như nông nghiệp, lâm nghiệp,…
Bản đồ quy hoạch là gì?
Bản đồ quy hoạch và ý nghĩa của bản đồ quy hoạch
Bản đồ quy hoạch là bản đồ phân chia, xác định quy cách đất, yêu cầu quản lý cảnh quan, kiến trúc, bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình hạ tầng xã hội nhằm cụ thể hóa nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch tổng thể.
Ảnh Bản đồ quy hoạch
Bản đồ quy hoạch cho phép người xem có thể xem được những khu đất nào được quy hoạch sử dụng cho lợi ích chung của khu vực để có quyết định mua đất để sử dụng lâu dài hay xây dựng nhà ở cho phù hợp vì khi bắt đầu quy hoạch, mọi công trình trên mảnh đất này đều bị gỡ bỏ và thay đổi. Ngoài ra, khi sử dụng bản đồ quy hoạch, người xem còn có thể biết được về các thông số xây dựng như chiều cao tối đa và mật độ xây dựng của nhà đất.
Các loại bản đồ quy hoạch
- Bản đồ quy hoạch chung được xây dựng với tỉ lệ 1/5000: bản đồ này xác định tính chất, vai trò của đô thị, yêu cầu cơ bản cho việc nghiên cứu để khai thác tiềm năng, động lực phát triển, hướng phát triển, mở rộng đô thị, bố trí hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị trong nội thị và khu vực ngoại thị.
- Bản đồ quy hoạch phân khu được xây dựng với tỉ lệ 1/2000: bản đồ này xác định phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu dự kiến về dân số nhằm phân chia, xác định chức năng sử dụng đất và mạng lưới hạ tầng để cụ thể hóa nội dung của quy hoạch chung đô thị, định hướng quy hoạch đô thị trên diện rộng. Đồng thời, đây còn được xem là phương án có giá trị pháp lý cao và là cơ sở để giải quyết tranh chấp.
- Bản đồ quy hoạch chi tiết được xây dựng với tỉ lệ 1/500: bản đồ này thể hiện được số đất sử dụng cho quy hoạch cũng như nguyên tắc xây dựng mọi công trình trên đất về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết bố trí đến từng ranh giới lô đất.
Bản đồ địa chính
Bản đồ địa chính là gì?
Theo Luật Đất đai 2013 quy định “Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận”.
Nội dung bản đồ địa chính:
Theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, các yếu tố nội dung chính thể hiện trên bản đồ địa chính gồm:
- Khung bản đồ;
- Điểm khống chế tọa độ, độ cao Quốc gia các hạng, điểm địa chính, điểm khống chế ảnh ngoại nghiệp, điểm khống chế đo vẽ có chôn mốc ổn định;
- Mốc địa giới hành chính, đường địa giới hành chính các cấp;
- Mốc giới quy hoạch; chi giới hành lang bảo vệ an toàn giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống dẫn điện và các công trình công cộng khác có hành lang bảo vệ an toàn;
- Ranh giới thửa đất, loại đất, số thứ tự thửa đất, diện tích thửa đất;
- Nhà ở và công trình xây dựng khác: chi thể hiện trên bản đồ các công trình xây dựng chính phù hợp với mục đích sử dụng của thửa đất, trừ các công trình xây dựng tạm thời. Các công trình ngầm khi có yêu cầu thể hiện trên bản đồ địa chính phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình;
- Các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất như đường giao thông, công trình thủy lợi, đê điều, sông, suối, kênh, rạch và các yếu tố chiếm đất khác theo tuyến;
- Địa vật, công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và ý nghĩa định hướng cao;
- Dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao (khi có yêu cầu thể hiện phải được nêu cụ thể trong thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình);
- Ghi chú thuyết minh.
Ý nghĩa bản đồ địa chính:
- Bản đồ địa chính là cơ sở để thống kê, kiểm kê diện tích đất đai theo từng đơn vị hành chính, từng vùng và cả nước.
- Bản đồ địa chính xác lập, ghi nhận thông tin về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất cụ thể của nhà nước và mọi công dân.
- Bản đồ địa chính là căn cứ giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực thi các nội dung quản lý có liên quan đến đất đai như thu thuế, giải quyết tranh chấp, quy hoạch đất đai, đền bù,...
- Bản đồ địa chính cung cấp thông tin đất đai và cơ sở pháp lý cho các hoạt động dân sự liên quan đến đất đai như: thừa kế; chuyển nhượng; tặng cho; thế chấp; hoạt động kinh doanh bất động sản,...
Bản đồ nhà đất là gì?
Bản đồ nhà đất là một sản phẩm công nghệ cho phép người dùng xem và tìm kiếm nhà đất trực tiếp trên bản đồ thông qua các thiết bị thông minh có kết nối internet. Thông qua bản đồ bất động sản, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các nhà đất ở bất kì địa điểm nào từ tổng quát như khu vực, diện tích, khoảng giá tới chi tiết như hướng nhà, số phòng,... theo yêu cầu của người dùng.
Ảnh Bản đồ nhà đất BDS.NET
Bản đồ nhà đất ngoài việc định vị chính xác vị trí nhà đất còn giúp người dùng có cái nhìn tổng quan về không gian, các sản phẩm nhà đất trong khu vực, cơ sở hạ tầng, tiện ích xung quanh bao gồm trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, địa điểm mua sắm giải trí, cơ quan hành chính, thông tin kinh tế xã hội,... Ngoài ra, bản đồ nhà đất cho phép người dùng trực tiếp di kéo, phóng to thu nhỏ bản đồ đến khu vực mà mình quan tâm. Tính năng này giúp người dùng có thể khoanh vùng chính xác vị trí cũng như dễ dàng so sánh các sản phẩm nhà đất cùng loại trong khu vực.
Vai trò của bản đồ nhà đất
Việc ứng dụng bản đồ trong lĩnh vực nhà đất tạo ra cái nhìn trực quan về nhà đất cũng như các khu vực tiện ích xung quanh nhà đất đó giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và có cái nhìn tổng quan hơn.
Bản đồ nhà đất tích hợp các tính năng của các loại bản đồ kể trên cho phép người dùng tìm kiếm trực tiếp nhà đất bán hay cho thuê ở bất cứ địa điểm nào với rất nhiều tiêu chí khác nhau như diện tích, khoảng giá tới chi tiết như hướng nhà,... Định vị vị trí theo số hiệu bản đồ/số hiệu thửa bản đồ địa chính cũng như kiểm tra các thông tin quy hoạch trong khu vực hay các vùng lân cận.
Bản đồ nhà đất là một khái niệm vẫn còn mới mẻ tuy nhiên lĩnh vực này ẩn chứa rất nhiều tiềm năng và hứa hẹn sẽ tạo ra một bức phá vượt trội cho thị trường nhà đất nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.